Fraud Blocker Giáo dục giới tính cho trẻ mầm non, tiểu học: Cha mẹ nên làm gì?
Zalo OA icon
học sinh issp
May 18, 2022

Giáo dục giới tính cho trẻ mầm non, tiểu học: Cha mẹ, thầy cô nên làm gì?

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công an, chỉ riêng năm 2020, số trẻ em bị xâm hại tình dục ở nước ta đã lên đến 1576 trường hợp, trong số đó nhiều trường hợp bị xâm hại bởi chính người thân trong gia đình hoặc người quen biết với các em.

Đáng buồn hơn, nhiều nạn nhân vẫn đang trong độ tuổi mầm non và tiểu học. Vậy làm thế nào để trẻ ở độ tuổi này có kỹ năng tự vệ, cũng như kỹ năng phòng tránh xâm hại?

Đặt lịch tham quan để trải nghiệm phương pháp giáo dục và chương trình học tại Trường Quốc Tế Saigon Pearl

Giáo dục giới tính không chỉ là bài học của người lớn

Đối với nhiều phụ huynh, giáo dục giới tính (GDGT) là chủ đề khá nhạy cảm, trẻ ở độ tuổi mầm non và tiểu học chưa thích hợp để tìm hiểu về chủ đề này. Tuy nhiên, các chuyên gia về giáo dục giới tính lại cho rằng, giáo dục giới tính cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Tùy theo độ tuổi, trẻ sẽ được cung cấp những khái niệm, kiến thức khác nhau.

Theo Cory Silverberg (một nhà giáo dục và là tác giả nhiều quyển sách về giáo dục giới tính cho trẻ em như: What Makes A Baby, Sex Is A Funny Word), trẻ dưới 2 tuổi cần biết tên gọi chính xác của các bộ phận sinh dục, đâu là địa điểm thích hợp để chạm vào các vùng riêng tư; nhóm tuổi từ 2 – 5, trẻ cần được biết trẻ sơ sinh được tạo ra như thế nào, khi nào được phép chạm vào người khác và ngược lại; nhóm tuổi từ 6 – 8 tuổi cần được biết về những thay đổi của cơ thể khi dậy thì; 9 – 11 tuổi là thời điểm thích hợp để biết cụ thể hơn thế nào là tình dục và hoạt động tình dục an toàn.

Thực tế hiện nay ở Việt Nam, rất nhiều trường mầm non và tiểu học đã đưa chủ đề giáo dục giới tính vào chương trình giảng dạy.

Giáo dục giới tính cần được thực hiện càng sớm càng tốt (Nguồn: ISSP)

Cô Kristin Wegner – cố vấn, điều phối viên Ban Hỗ trợ học sinh và trưởng Ban An toàn Học Đường trường Quốc Tế Saigon Pearl (ISSP) quận Bình Thạnh TP.HCM – cho biết: “Ở trường ISSP, mỗi độ tuổi nhà trường sẽ có những nội dung về giáo dục giới tính khác nhau. Không chỉ đề cập bằng lời nói, chúng tôi còn thiết lập những tình huống thực tế để tập cho trẻ cách tự phòng vệ. Đó có thể là cách thể hiện rõ thái độ không đồng ý hoặc hét lên cho người xung quanh biết khi có ai đó chạm vào trẻ.

Cô Kristin Wegner trong một buổi nói chuyện với học sinh (Nguồn: ISSP)

Dù là những kiến thức rất đơn giản, nhưng đó là nền tảng quan trọng cho các bài học chi tiết hơn về giáo dục giới tính về sau. Đồng thời, trong một số trường hợp trẻ cũng sẽ tự mình tránh được tình trạng bị lạm dụng khi không có bố mẹ bên cạnh.”

Đề cao tính trung thực và đẩy mạnh tương tác hai chiều

Khi được hỏi “con sinh ra từ đâu”, không ít trẻ đã nhận được những câu trả lời như từ nách, từ lỗ rốn, hay được nhặt ngoài đường,… Thậm chí có tình huống dở khóc, dở cười hơn như trường hợp gia đình anh Quân (quận 11 TP.HCM). Anh kể, con gái 4 tuổi của anh nhất quyết không chịu đi vệ sinh ở trường chỉ vì bà cháu nói, trẻ em được tạo ra khi nước tiểu của hai người khác nhau trộn lẫn.

Một số phụ huynh vì tâm lý e ngại, thường né tránh việc gọi đúng tên các bộ phận sinh dục khi nói chuyện với trẻ. Cô Kristin giải thích, “gọi đúng tên các bộ phận sinh dục không chỉ giúp trẻ hiểu chính xác về cơ thể mình mà trong trường hợp trẻ bị lạm dụng, trẻ cũng có thể thuật lại một cách rõ ràng với cha mẹ và người thân.

Các bậc phụ huynh không nên né tránh, trường hợp gặp khó khăn trong việc gọi tên các thuật ngữ, phụ huynh có thể tham khảo thêm từ sách giáo dục giới tính cho trẻ hoặc hỏi ý kiến bác sĩ, chuyên viên tâm lý, giáo viên phụ trách môn học này.”

Cha mẹ không nên né tránh, mà tận dụng khoảnh khắc hàng ngày để nói chuyện với con (Nguồn: ISSP)

Ngoài ra, ở độ tuổi mầm non và tiểu học, trẻ luôn tò mò về mọi thứ, các con có xu hướng đặt câu hỏi bất cứ lúc nào. Cha mẹ và thầy cô nên trả lời một cách trung thực câu hỏi của trẻ, có thể đơn giản hóa câu trả lời để phù hợp với lứa tuổi nhưng tuyệt đối phải tôn trọng sự thật để trẻ không hiểu sai thông tin.

Trong trường hợp trẻ không đặt câu hỏi, cha mẹ, thầy cô cũng có thể đặt câu hỏi ngược lại để chắc chắn rằng những gì trẻ hiểu là đúng. Cha mẹ có thể tận dụng những khoảnh khắc hằng ngày để khơi gợi trí tò mò của trẻ, ví dụ như khi đi tắm, lúc thay đồ sẽ là thời điểm thích hợp để nói về các bộ phận trên cơ thể; nhìn thấy một phụ nữ mang thai trên tivi, có thể hỏi trẻ, một đứa bé được tạo ra như thế nào và cùng thảo luận,…

Sự cởi mở là chìa khóa

Trẻ không dám nói sự thật, đó là nguyên nhân chủ yếu nhiều trẻ bị lạm dụng tình dục rất lâu trước khi được phát hiện. Tâm lý này đến từ việc trẻ xem đây là vấn đề nhạy cảm, trẻ không dám nói và cũng không biết nói như thế nào với bố mẹ.

Đứng ở góc độ của một nhà giáo, cô Kristin cho biết, cách dễ nhất để nhận ra sự bất ổn của trẻ là để trẻ chủ động nói ra. “Cảm giác an toàn là yếu tố quan trọng quyết định việc trẻ có sẵn sàng chia sẻ hay không. Vì vậy, tại trường Quốc Tế Saigon Pearl (ISSP), giáo viên luôn nỗ lực giao tiếp cởi mở và kết thân với học sinh, điều này nhằm tạo cho trẻ cảm giác an toàn và tin tưởng khi trẻ muốn nói ra một điều gì đó.” – cô Kristin nói thêm.

Cảm giác an toàn là yếu tố quan trọng để quyết định việc con có sẵn sàng chia sẻ hay không (Nguồn: ISSP)

Giáo dục giới tính là một quá trình lâu dài, cô Kristin nhấn mạnh, giữa gia đình và nhà trường phải có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất về mặt phương pháp. Thường xuyên cung cấp tài liệu cũng như tổ chức các buổi hội thảo, trong đó có hội thảo về chủ đề giáo dục giới tính là cách mà trường Mầm Non và Tiểu Học Quốc Tế Saigon Pearl (ISSP) đã làm nhằm theo sát phụ huynh trong việc giáo dục giới tính cho con trẻ.

Lớp Học Thử Mầm Non: Cộng Đồng Quanh Con
Lớp học thử này sẽ khuyến khích con nhận biết cảm xúc của mình và hiểu cách cảm xúc tác động đến các mối quan hệ của con ra sao, đặt nền tảng cho trí tuệ cảm xúc và các kỹ năng xã hội của con về sau. 9:00 AM ngày 03/10/2024