Buổi học vận động ngoại khóa, khám phá ngôn ngữ và tăng khả năng sáng tạo là những gì mà trường Quốc tế Saigon Pearl trang bị cho trẻ.
Việc vui chơi đóng vai trò rất quan trọng trong những năm tháng đầu đời của trẻ nhỏ. Tina Bruce – tác giả hàng đầu về giáo dục mầm non cho biết: “Các nghiên cứu về não bộ, cũng như nghiên cứu trong các lĩnh vực khác, đã cho thấy ngày càng rõ hơn về nhu cầu được vui chơi của tuổi thơ. Chơi đùa đóng vai trò là cơ chế tiếp sức cho những suy nghĩ mang tính can đảm, sáng tạo và nghiêm túc ở tuổi trưởng thành”.
Nhận thức được tầm quan trọng ấy, Trường Quốc Tế Saigon Pearl (ISSP) xây dựng nên chương trình giáo dục lấy trẻ là trung tâm dựa trên phương pháp học kết hợp với vui chơi. Từ đó, trẻ sẽ trở nên chủ động với môi trường xung quanh và thúc đẩy sự tập trung trong việc học.
Phát triển khả năng sáng tạo
Bắt đầu từ 18 tháng tuổi, các em học sinh tại ISSP bắt đầu được khám phá nghệ thuật thị giác thông qua các buổi học tìm hiểu về màu sắc, kết cấu và các yếu tố nghệ thuật khác. Đơn cử như ở lớp học mầm non ứng dụng (EY Utility) của thầy June Butil, trẻ sẽ có những trải nghiệm khi học cách vẽ màu nước lên giấy. Sau khi được giáo viên hướng dẫn các kĩ thuật tô và phối màu nước khác nhau, các bé có thể thỏa sức sáng tạo với những tác phẩm của riêng mình. Những hoạt động này giúp bé phát triển khả năng tư duy trừu tượng khi trẻ hình dung trong đầu những gì mình muốn vẽ hoặc tô màu, đồng thời giúp trẻ thư giãn và rèn luyện khả năng tập trung.
Lớp EY Utility hỗ trợ khả năng sáng tạo và tư duy logic của trẻ mầm non thông qua các lớp nghệ thuật, âm nhạc và các hình thức vận động. Trẻ em được khuyến khích sử dụng trí tưởng tượng, sự sáng tạo và các kỹ năng để thể hiện ý tưởng, suy nghĩ và cảm xúc của mình. Học sinh cũng được sử dụng và khám phá nhiều loại vật liệu, công cụ và kỹ thuật, thử nghiệm với màu sắc, thiết kế, hoa văn, kết cấu, hình thức và chức năng.
Thầy June Butil, giáo viên chủ nhiệm lớp EY Utility trường ISSP, cho biết: “Các hoạt động nghệ thuật như vẽ, thủ công,… sẽ hỗ trợ các em tìm hiểu về bản thân khi các em được sáng tạo và khám phá trí tưởng tượng của mình. Thông qua những trải nghiệm học tập, các em có cơ hội trau dồi khả năng thể hiện bản thân, khả năng tư duy logic và sự tự tin của mình”.
Giữ gìn bản sắc văn hóa
Song song với nền tảng kiến thức, trường ISSP còn tập trung rèn luyện các kĩ năng cho trẻ nhỏ. Trong đó, nổi bật nhất là chương trình dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam dành cho các bé người Việt trong độ tuổi mầm non và tiểu học. Nhờ đó, các em giữ gìn được bản sắc văn hóa “mẹ đẻ” ngay trong môi trường học quốc tế.
Thông qua các lớp học phát triển ngôn ngữ và văn hóa Việt, các em sẽ được học phát âm, học chữ và tìm hiểu văn hóa cội nguồn qua các vật dụng được trưng bày xung quanh lớp học. Ở khối lớp lớn hơn, các em sẽ dùng ngôn ngữ để kể câu chuyện, giới thiệu về bản thân cho bạn bè, thầy cô.
Trường ISSP còn có hoạt động tĩnh tâm trong giờ học để các em có thể cảm nhận hơi thở và lắng nghe thanh âm đang hiện hữu xung quanh. Vào mỗi dịp lễ, Tết, lớp học Văn hóa Việt Nam lại càng trở nên đặc biệt hơn với các hoạt động dành cho học sinh toàn trường, như: gói bánh chưng, bánh tét; biểu diễn văn nghệ những bài hát truyền thống để các em thêm yêu văn hóa quê hương.
Cô Nguyễn Như Thùy – Trưởng bộ môn Tiếng Việt và Văn Hóa Việt Nam, trường Mầm Non và Tiểu Học Quốc tế ISSP, chia sẻ: “Tôi khá bất ngờ khi có nhiều bé có thể nghe được tiếng các em nhỏ, các anh chị lớn ở tầng khác đang học tập và vui chơi. Sau đó, các bé đã tự tin chia sẻ cùng với cả lớp bằng những câu tiếng Việt tròn trĩnh và đầy đủ ý. Đối với tôi, việc các bé có thể diễn đạt câu từ tiếng Việt hoàn chỉnh và giữ gìn nét đẹp văn hóa Việt mỗi ngày là niềm vui lớn nhất của giáo viên đứng lớp Văn hóa Việt Nam”.
Trang bị tư duy thời đại số
Dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã cho thấy vai trò quan trọng của internet và các nền tảng trực tuyến trong việc hỗ trợ giao tiếp, học tập, vui chơi giải trí. Mang đến cho học sinh kỹ năng làm chủ công nghệ số và trải nghiệm tích cực trên không gian mạng, trường ISSP đã xây dựng cho trẻ tư duy số ngay trong những tiết học tích hợp công nghệ. Các em được hướng dẫn tiếp cận internet sao cho an toàn như cách đặt password, cách giao tiếp khi sử dụng phần chat trong các app và cách vận dụng công nghệ để hoàn thành công việc hiệu quả.
Theo cô Barbara Amador – Chuyên viên Công nghệ Tích hợp trường ISSP, trẻ em ngày nay thường được tiếp cận với công nghệ và internet từ sớm. Vì vậy, việc làm thế nào để tiếp cận và nắm bắt thông tin trên mạng mà không trở thành nạn nhân là nhiệm vụ quan trọng của các giáo viên. Thông qua những bài giảng tại trường, các em sẽ hình dung việc sử dụng internet và vận dụng chúng vào các môn học. “Để trẻ không lạc lối với internet, chúng tôi cố gắng thiết kế bài giảng với những đoạn video và slide. Cách làm này nhằm thu hút sự chú ý của học sinh, giúp các em hình thành tư duy phản biện qua những câu hỏi ngược lại dành cho giáo viên và khai thác được nhiều tài nguyên học thuật trên internet” – cô Barbara Amador nói thêm.
Ngoài ra, trường còn tổ chức các buổi sử dụng robot và các bài tập giúp trẻ làm quen với lập trình để có thêm kiến thức về công nghệ. Ví dụ, trong một tiết học công nghệ tích hợp tại trường, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh tính chu vi và diện tích của hình chữ nhật được vẽ trên sàn. Lúc này, các em sẽ tự viết code trên Ipad sao cho robot di chuyển để đo được chiều dài và chiều rộng. Khi có được số liệu, các em sẽ tính được chu và và diện tích của hình chữ nhật đó một cách chính xác.
Nâng cao thể chất
Giáo dục thể chất được coi là một phần quan trọng của chương trình mầm non. Theo cô Alpha Butil, các hoạt động thể chất mang đến nhiều lợi ích nhằm xây dựng cho trẻ nền tảng sức khoẻ, tinh thần, từ đó mới có thể học tập tốt. Việc phát triển các cơ lớn và nhỏ của học sinh giúp các em tăng cường sự tự tin, lòng tự trọng, sự tập trung, khả năng phối hợp và phát triển các năng lực xã hội, cảm xúc và nhận thức lành mạnh hơn.
Vì vậy, bên cạnh việc thiết kế mô hình giáo dục xen kẽ giữa học và chơi dựa trên nguyên tắc ‘cho học sinh làm chủ lớp học’, trường ISSP còn có chương trình giáo dục thể chất nhằm củng cố sự phát triển các kỹ năng vận động toàn diện cho học sinh mầm non. Một số các hoạt động chính thuộc nhóm này bao gồm: bóng đá, bóng rổ, bơi lội… Ngoài ra, trường có chương trình ngoại khóa với hơn 75 môn học như tennis, võ thuật, khiêu vũ, yoga, cờ vua… cho học sinh lựa chọn.