Fraud Blocker Kết quả học tập của trẻ tăng 11% khi phát triển cảm xúc xã hội - ISSP
Zalo OA icon
aHR0cHM6Ly93d3cuaXNzcC5lZHUudm4vZmlsZXMva2V0LXF1YS1ob2MtdGFwLWN1YS10cmUtdGFuZy0xMS1raGktcGhhdC10cmllbi1jYW0teHVjLXhhLWhvaS0xLmpwZz85VnpEN2pFTFRNQ2taTU1YUTRlUEpuX1IyTlRkRDZzLg
May 27, 2022

Kết quả học tập của trẻ tăng 11% khi phát triển cảm xúc xã hội

Theo Giáo sư Joseph A Durlak (Mỹ), kết quả học tập của học sinh theo học chương trình phát triển cảm xúc xã hội cao hơn 11% so với người không tham gia.

Đây là kết quả phân tích dựa trên 213 nghiên cứu liên quan tới 270.000 học sinh. Khảo sát này cũng chỉ ra khi được trang bị kiến thức, kỹ năng phát triển cảm xúc xã hội, khoảng 27% học sinh cải thiện thành tích học tập; hơn 57% chinh phục được các cấp độ kỹ năng; khoảng 24% cải thiện hành vi xã hội, có mức độ phiền muộn thấp hơn; 23% có cải thiện thái độ và hơn 22% cho thấy ít có vấn đề về hạnh kiểm hơn.

Không chỉ tác động trước mắt, việc phát triển kỹ năng cảm xúc xã hội còn ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống trưởng thành của trẻ. Theo dữ liệu khảo sát trong gần 20 năm của Dự án Fast Track, các nhà nghiên cứu nhận thấy trẻ mẫu giáo đạt điểm năng lực xã hội cao hơn sẽ có khả năng lấy được bằng đại học cao hơn; nhiều khả năng lấy bằng tốt nghiệp trung học và có công việc toàn thời gian ở tuổi 25 hơn.

Vì vậy, phụ huynh, nhà trường nên chú trọng phát triển cảm xúc xã hội ngay từ khi trẻ học mẫu giáo. Các nước phát triển trên thế giới đã áp dụng phương pháp phát triển khía cạnh này từ lâu nhằm cung cấp nền tảng học tập an toàn và tích cực, đồng thời nâng cao khả năng thành công của học sinh trong quá trình học và làm việc, cũng như cuộc sống sau này.

Mới đây, tổ chức McGraw Hill cũng thực hiện khảo sát với hơn 700 nhà giáo dục, phụ huynh… và cho thấy trên 96% số người tham gia đồng ý việc phát triển cảm xúc xã hội ở trường học là rất quan trọng.

Cảm xúc xã hội tác động tích cực tới kết quả học tập, cuộc sống và công việc sau này của trẻ. Ảnh minh họa: Trường ISSP

Cách phát triển cảm xúc xã hội ở trẻ

Theo thầy Lester Stephens – Hiệu trưởng Trường Quốc Tế Saigon Pearl (ISSP), các kỹ năng cảm xúc xã hội là điều cần thiết để kết nối với người khác, giúp chúng ta quản lý cảm xúc, xây dựng mối quan hệ lành mạnh và sự đồng cảm. Trẻ bắt đầu học kỹ năng này ngay khi mới sinh, dần phát triển nhận thức về cảm xúc từ những tương tác với người chăm sóc.

Giáo dục cảm xúc xã hội là hoạt động dạy 5 năng lực cốt lõi, gồm: tự nhận thức, tự quản lý, nhận thức xã hội, kỹ năng quan hệ và đưa ra quyết định có trách nhiệm. Các trường mẫu giáo, tiểu học có thể lồng ghép nhiều hoạt động đào tạo nhằm củng cố toàn diện kỹ năng này.

Tại trường Mầm Non và Tiểu Học Quốc Tế Saigon Pearl (ISSP), học sinh được khuyến khích nói ra cảm xúc của mình. Đối với những em gặp khó khăn khi nói điều này, các giáo viên sẽ giúp trẻ đặt tên và tạo niềm tin để sẵn sàng bộc lộ hơn, ví dụ như đưa ra lời đề nghị “Có vẻ như con đang cảm thấy lo lắng, con có thể cho thầy cô biết lý do không”. Ngược lại, giáo viên cũng chủ động chia sẻ cảm xúc với học sinh và khuyến khích phụ huynh làm điều tương tự để trẻ dễ dàng xác định đúng cảm xúc của mình.

Giáo viên tại đây cũng nhấn mạnh không có cảm xúc nào xấu, tất cả đều tự nhiên, dù trải nghiệm đó thoải mái hay không. Trẻ cần coi việc đôi khi cảm thấy buồn, lo lắng hoặc tức giận là điều bình thường và cách tốt nhất để giải quyết là chia sẻ cởi mở. Tuy nhiên, người lớn nên lưu ý trẻ kiểm soát hành vi thay vì cảm xúc. “Việc nói về cảm nhận của bản thân là hoàn toàn đúng nhưng không phải lúc nào hành động theo cảm xúc cũng tốt”, cô nói thêm.

Để làm được điều này, trường ISSP đã tạo ra nơi trưng bày hình ảnh về cảm xúc; tổ chức hoạt động viết nhật ký; dạy trẻ bộc lộ thông qua thông điệp bắt đầu bằng “tôi”, ví dụ như “tôi cảm thấy vui vì…”. Sau khi xác định, thầy cô nên hướng dẫn trẻ cách điều hòa và sắp xếp cảm xúc của bản thân, đặc biệt là các suy nghĩ tiêu cực trong giai đoạn giãn cách xã hội. Trẻ có thể thực hiện thông qua các phương pháp tự làm dịu và thư giãn như ngủ đủ giấc, hoạt động thể chất, chia sẻ với mọi người xung quanh hay tự trò chuyện tích cực với chính mình.

Học sinh lớp 5 trường ISSP được thực hành thu hoạch lúa như người nông dân thực thụ. Ảnh: ISSP

Bên cạnh đó, giáo viên còn bồi dưỡng kỹ năng và phát triển cảm xúc xã hội thông qua tương tác tự nhiên giữa các cá nhân và lấy học sinh làm trung tâm xuyên suốt quá trình học. Như vậy, hoạt động ngoại khóa là một phần không thể thiếu trong giáo dục nhận thức xã hội, kỹ năng quan hệ ở trẻ. Các sự kiện này có thể giúp các học sinh tương tác với nhau tốt hơn, thiết lập mối quan hệ xã hội chặt chẽ trong một phạm vi nhất định.

Tháng 3-4 vừa qua, trường Mầm Non và Tiểu học Quốc tế Saigon Pearl (ISSP) đã tổ chức dã ngoại tới Tà Lài cho học sinh lớp 3, 4, 5. Tại đây, các em được tham gia trồng cây, thu hoạch lúa như những người nông dân thực thụ, thực hành kỹ năng sống và kỹ năng xã hội cần thiết như làm việc nhóm, giao tiếp với những người xung quanh… Sau buổi ngoại khóa, các học sinh mang về 100 kg gạo hữu cơ và ủng hộ cho trẻ em cơ nhỡ thuộc tổ chức Friends for street children. Qua đó, trẻ không chỉ phát triển kỹ năng tạo lập quan hệ mà còn được trang bị sự đồng cảm, thấu hiểu cộng đồng.

Duy trì cảm xúc xã hội trong thời gian giãn cách

Cô Kristin Wegner, Cố vấn, Điều Phối Viên Ban Hỗ Trợ Học Sinh và Trưởng Ban An toàn Học Đường tại trường Quốc Tế Saigon Pearl (ISSP) lưu ý: Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài, trẻ em nhiều nơi không thể tới trường dẫn tới mất kết nối trực tiếp với thầy cô, bạn bè.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới kỹ năng cảm xúc xã hội của trẻ. Các em có thể bị căng thẳng, cô đơn… Thậm chí, khi trở lại trường học, trẻ có thể gặp khó khăn trong quá trình thích nghi vì phải xa bố mẹ sau một thời gian dài ở nhà. Vì vậy, theo cô Kristin Wegner, cả trước, trong và sau dịch, các đơn vị giáo dục nên thúc đẩy, duy trì sự phát triển cảm xúc xã hội cho học sinh, bao gồm hoạt động giảng dạy và mô hình hóa các kỹ năng xã hội và cảm xúc, tạo cơ hội cho các em thực hành và trau dồi. Đồng thời, giáo viên có thể tạo điều kiện cho học sinh áp dụng những những gì đã học trong các tình huống khác nhau.

Trong thời gian giãn cách xã hội, cơ hội tham gia các hoạt động cùng bạn bè và thầy cô của trẻ giảm đi. Vì vậy, thầy cô và cha mẹ có thể tạo không gian giao lưu trò chuyện và lắng nghe cho các con thông qua các nền tảng số. Cô Kristin Wegner lưu ý, duy trì giao tiếp bằng mắt với trẻ, cho các em cơ hội nói xong trước khi đối phương trả lời và chú ý ngôn ngữ cơ thể của trẻ là điều rất quan trọng trong việc phát triển kỹ năng tạo dựng mối quan hệ.

Giúp trẻ đưa ra quyết định

Ngoài ra, trẻ cần được rèn luyện năng lực đưa ra quyết định có trách nhiệm. Thầy cô và cha mẹ nên cùng trẻ thảo luận về những tình huống dễ gây mâu thuẫn hoặc vấn đề xã hội cụ thể. Tuy nhiên, người lớn nên để các em tự tìm cách xử lý dưới sự định hướng thay vì giải quyết giúp.

Ví dụ, trong một tình huống cụ thể, giáo viên, phụ huynh nên để trẻ xác định trước, tự nói rõ và diễn tả vấn đề này ảnh hưởng như thế nào tới cảm xúc của trẻ. Sau đó, các em bắt đầu suy nghĩ về các giải pháp khả thi. Lúc này, người lớn có thể hỗ trợ trẻ đưa ra một số hướng giải quyết vấn đề bằng cách ghi lên các tấm thẻ với nội dung nhờ ai đó giúp đỡ, kêu lên, nói xin lỗi, đi chỗ khác… và dùng chúng để cùng xác định ưu, nhược điểm của từng giải pháp. Cuối cùng, trẻ cần tự chọn ra một giải pháp an toàn và thoải mái. “Chúng ta nên để trẻ thử áp dụng giải pháp đã chọn và xem điều gì sẽ xảy ra. Nếu không hiệu quả, các em có thể thử một giải pháp khác”, cô nhấn mạnh.

Ngoài ra, các trường cũng nên có các hoạt động hỗ trợ tinh thần và tạo môi trường tiếng nói, quyền tự chủ và trải nghiệm làm chủ cho học sinh. Điều này giúp học sinh cảm thấy thoải mái hơn trong việc thể hiện cảm xúc và đưa ra quyết định có trách nhiệm. Song song, trường có thể có thêm bộ phận chăm sóc tinh thần cho học sinh với các chuyên gia tư vấn, hoạt động xã hội, tâm lý học… Từ đó, các em có thể nhận được sự giúp đỡ và định hướng đúng đắn, kịp thời.